Theo chia sẻ công khai trên mạng xã hội vào tối ngày hôm qua, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch trường ĐH FPT cho biết trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". Ngay sau khi được công bố, thông tin này đã gây được nhiều sự chú ý và tranh luận trên mạng xã hội.
Nói về lý do đưa ra quyết định này, ông Lê Trường Tùng cho biết: "Sinh viên châu Phi rất khó chuyển ngoại tệ ra nước ngoài". Trong khi đó bitcoin lại là đồng tiền có thể "vượt biên dễ dàng".
Trước thông tin này, mạng xã hội đã phân thành hai luồng quan điểm trái chiều. Một bên cho rằng bitcoin là một sản phẩm công nghệ mới của kỷ nguyên 4.0 và cách làm của trường ĐH FPT cho thấy tính thức thời với vai trò là trường đào tạo về công nghệ hàng đầu Việt Nam. Mặt khác, không ít người bày tỏ quan điểm lo ngại về tính chất pháp lý của bitcoin và một số nhược điểm khi thu học phí bằng đồng tiền số này do tính chất của bitcoin là phân quyền và biến động mạnh.
Liên quan đến lo ngại giá bitcoin lên xuống thất thường dẫn tới khả năng trường ĐH FPT có thể bị "thâm hụt" học phí khi giá bitcoin giảm mạnh, ông Tùng cho biết hiện nay sinh viên ngoại quốc của trường vẫn nộp học phí bằng ngoại tệ. Như vậy, xét về mức độ rủi ro tỷ giá thì có thể thấy ngoại tệ và bitcoin là như nhau.
Còn về tính chất pháp lý của bitcoin. Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ quy định hay khung pháp lý nào về việc quản lý bitcoin. Trong một thông cáo phát đi cuối ngày 24/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước bảo lưu quan điểm bitcoin không phải là tiền tệ theo pháp luật hiện hành và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Nhận định về việc này, chủ tịch ĐH FPT cho biết việc NHNN "không công nhận", nhưng không có nghĩa bitcoin "không phải là tiền tệ" và trường ĐH FPT sẽ quản lý bitcoin giống như một dạng ngoại tệ thông thường.
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội hôm 25/10 vừa qua, đại biểu Phạm Phú Quốc đã đề xuất Việt Nam nên sớm luật hóa giao dịch bitcoin để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế và có thể thu thuế. Vị đại biểu này dẫn thực tế hiện nay các giao dịch mua bán bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Như vậy "có giao dịch đồng nghĩa với phát sinh doanh thu, vậy Nhà nước phải tính chuyện quản lý, thu thuế thế nào", ông Quốc nhận định.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng tiền số bitcoin đã tăng gấp 5,3 lần, đánh bật mọi sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu. Đà tăng mạnh mẽ của bitcoin cũng như những tiềm năng hứa hẹn sẽ làm thay đổi thế giới đã giúp cho đồng tiền số này thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư trên toàn cầu, trở thành tài sản giá trị có tính lưu chuyển dễ dàng.
Theo Anh Sa/CafeF/Trí thức trẻ