Hãy bắt đầu kể con nghe về những câu chuyện cổ tích ngay từ bây giờ
Tôi đã từng "hú hồn" trước câu hỏi của cô con gái 5 tuổi: "Mẹ ơi, vì sao anh Hai có "con sâu" mà con lại không có?". Những thắc mắc kiểu như: "Người lớn đã tạo ra trẻ con ra sao?", "Em bé được sinh ra từ đâu?"... cho đến nay vẫn khiến các bậc phụ huynh lúng túng. Đó là những câu hỏi khó, vì bố mẹ chưa biết phải chuyển tải kiến thức giới tính cho con như thế nào tế nhị và hiệu quả nhất.
Ấy vậy mà có những câu hỏi rất dễ, rất tầm thường, phụ huynh cũng phải "đứng hình". Không phải không tìm ra cách trả lời, mà vì chúng ta nghĩ mặc nhiên điều này con phải biết. Hoá ra không phải vậy!
“Mẹ ơi Thánh Gióng là ai?”
Đó là câu hỏi con tôi ngơ ngác khi xem MV “Bước Chân Cổ Tích”. Tất nhiên, tôi chẳng mất công ôn lại những gì từng đọc qua sách vở để trả lời. Nhưng đã mất rất nhiều thời gian để tự vấn bản thân, rằng mình đang bỏ qua những gì khi dạy dỗ những đứa nhỏ?
Còn nhớ, chúng ta từng được ông bà, cha mẹ rỉ rả gieo vào tâm hồn những câu chuyện cổ lý giải nguồn gốc, xuất xứ của mọi vật trên đời, dạy cách đối nhân xử thế... Từ trí tưởng tượng ngày bé, đến ý thức về thế giới quan xung quanh đều được xây nên từ những câu chuyện cổ. Con trai thì mong mạnh mẽ như Thánh Gióng. Con gái thì ước dịu hiền như cô Tấm. Rồi những câu ca dao, tục ngữ, những trò chơi “năm mười mười lăm”, “chi chi chành chành” từ ngày ta lẵm đẵm biết đi, cho đến khi nô nức vui đùa nơi trường lớp. Tất cả những chất liệu dân gian ấy đã ngấm ngầm một cách nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm vào tâm thức từ bao giờ.
Bé xem MV Bước Chân Cổ Tích hỏi: “Mẹ ơi, Thánh Gióng là ai?”
Văn hoá dân gian hiển nhiên có mặt trong đời sốngthế hệ trước là vậy. Nhưng với con cái chúng ta thì sao? Đã bao giờ chúng ta tự dành thời gian để nghĩ về điều này? Nghĩ về việc đã ai kể cho chúng nghe về Lạc Long Quân, Thánh Gióng? Đã ai dạy chúng hiểu thế nào là “ở hiền gặp lành”, thế nào là “con Rồng cháu Tiên”? Đã ai một lần dùng các sự tích để giải thích trời từ đâu, đất từ đâu, cây cau, chú cuội, chị Hằng từ đâu mà có? Đã ai cùng con chơi ô ăn quan, “kéo cưa lừa xẻ”, “rồng rắn lên mây”?Tuổi thơ các con đang thiếu thốn những gì? Chúng ta đang chờ ai sẽ chỉ ra cho bọn trẻ? Hay chính chúng ta đang đã bỏ qua những gì?
Cũng như tôi, không khỏi giật mình trước câu hỏi "Thánh Gióng là ai vậy mẹ?". Và tôi biết rất nhiều ông bố bà mẹ cũng sẽ có cảm xúc tương tự. Bọn nhỏ đang độ tuổi khôn lớn, tiếp nhận kiến thức từ đời sống xung quanh. Trong đầu chúng chẳng xem văn hóa dân gian là điều gì đó ‘mặc nhiên’.Chúng có quyền được nối tiếp tuổi thơ của bố mẹ, được nuôi dưỡng bởi những điều tốt đẹp như bố mẹ đã từng. Chúng có quyền được thấm đẫm những giá trị dân gian không ồn ào, vồn vã, mà nhẹ nhàng, tự nhiên. Mà không phải ai khác, chính bố mẹ là người làm đượcnhững điều đó cho con.
Trò chơi Ô ăn quan là kí ức đẹp trong tuổi thơ của thế hệ 7x,8x
Tôi thấy mình may mắn khi được cùng con dõi theo những “Bước Chân Cổ Tích” trong MVvà nhận ra những giá trị văn hóa dân gian đã suýt bị bỏ quên nếu không có những khơi gợi nhẹ nhàng. Và có lẽ vẫn là chưa muộn, nếu ngay từ bây giờ, các ông bố bà mẹkể con nghe những câu chuyện dân gian đượm tình và lẽ sống ở đời, từng bước nuôi dưỡng tâm hồn, gieo vào lòng con sự nhân ái, tình yêu đồng bào, tinh thần và ý chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xứng đáng là hậu duệ kế thừa của giống nòi Rồng Tiên. Tôi tin, lúc đó chẳng ông bố bà mẹ nào còn giật mình vì phải nghe những câu hỏi kiểu như: "Mẹ ơi, Thánh Gióng là ai?", từ một gương mặt và ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác.
Thủy Nguyên