PV: Bạn nghĩ gì về quyết định chuyển hướng sang nghề nghiệp khác khi đang là sinh viên kiến trúc ở một ngôi trường mà bao bạn trẻ mơ ước?
Hoàng nghĩ đây là một quyết định táo bạo nhưng rất hợp lý. Bởi trước đây, sau 3 năm học ở Đại học Kiến trúc TPHCM, Hoàng nhận thấy mình không thực sự phù hợp với nghề. Hoàng bắt đầu cảm thấy mình khổ
sở khi học và không có nhiều hi vọng về nghề nghiệp khi học đến năm thứ hai. Vậy nên tôi quyết định “xóa cờ đánh lại”. Tôi tìm cơ hội học tập tại Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm HCM. Học được tại môi trường rất nhiều cơ hội để thể hiện và hoàn thiện mình, với sự tiếp lửa hứng thú nghề từ thầy cô, Hoàng biết đây sẽ là con đường không ngắn của cuộc đời mình. Cũng tại môi trường này, Hoàng xác định sẽ học thêm nâng cao, rồi trở thành nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học. Hoàng muốn mình nỗ lực và làm đến nơi đến chốn với lựa chọn nghề nghiệp mới mẻ nhưng đầy chính xác của mình sau những buổi đầu bước hụt, học nhầm nghề. Hoàng muốn các bạn trẻ sau Hoàng có thể nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm và tự tin hơn trong các lựa chọn để chọn đúng, chọn chính xác nghề mình muốn và đam mê mà mình muốn được dấn thân. Không quan trọng là bạn đã đi chậm như thế nào, quan trọng là bạn không được bỏ cuộc.
PV: Nếu để chọn 5 tính từ miêu tả về bản thân, bạn sẽ chọn như thế nào?
Đơn giản và ngắn gọn thôi. Tôi cảm thấy mình có được 5 điều sau: tử tế, độc lập, sáng tạo, quyết đoán, và nghiêm khắc!
Xin được giải thích: tử tế được Hoàng nhắc đầu tiên không phải là Hoàng tự cao mà đó là đánh giá của thầy hướng dẫn của Hoàng sau 5 năm làm việc. Hoàng xin phép mượn lời của Thầy mình nhưng cũng khẳng định đó là cách sống, làm việc của Hoàng.
PV: Công việc hiện tại của bạn ra sao?
Ngoài công việc đặc thù của một nghiên cứu sinh: nghiên cứu, học tập, định hướng khai thác nghề thì tôi còn tham gia vào khá nhiều lĩnh vực, chẳng hạn: trải nghiệm người dùng, thực tế tăng cường, thiết kế giao diện, thương mại điện tử, làm cộng tác viên nghiên cứu khoa học ở các đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước, giảng dạy một số học phần kỹ năng... Hoàng cũng đang vận dụng những hiểu biết và hứng thú cũng như sự giúp sức của một số chuyên gia, cộng sự để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định hướng khởi nghiệp…
PV: Được biết bạn là một trong số rất ít học viên Cao học, NCS ở Việt Nam nhận được học bổng du học ngắn hạn tại Đài Loan về một ngành rất mới. Bạn có thể chia sẻ nó?
Sau khi bảo vệ thành công đề cương đầu vào nghiên cứu sinh, Hoàng được thầy Trần Chí Vĩnh Long và Thầy Đỗ Tất Thiên - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tạo cơ hội sang Đài Loan thực tập một khoá ngắn hạn về “Nghiên cứu ERP trong Tâm lý học”. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Trường, Khoa và phía Đài Loan mà các Giáo sư và trợ giảng ở Trường Đại học Thanh Hoa gây ấn tượng rất mạnh. Hoàng nghĩ những gì mình học tập và nghiên cứu ở Đài Loan sẽ rất thiết thực và quý giá khi về Việt Nam bởi những định hướng mới. Đó là hướng nghiên cứu Tâm lý học và nhận thức; Tâm lý học và thần kinh bằng các dụng cụ máy móc, bằng các thiết bị đo lường kỹ thuật cao. Đây là thành tựu và là hướng đi mới của Tâm lý học cũng như khoa học liên ngành về con người đang rất phát triển. Đó là bước đường quan trọng để Hoàng hiểu và định hướng cho mình về ngành nghề Tâm lý học.
PV: Với ngành Tâm lý học thì bạn đang có những dự định nào để cống hiến?
Hiện tại Hoàng cùng các cộng sự đang xây dựng một môi trường chuyên nghiệp cho phép kết nối các Chuyên gia Tâm lý và người dùng trong việc giải đáp, gỡ rối các vấn đề thường nhật với vài ý tưởng hệ thống. Với tham vọng số hoá dữ liệu Tâm lý học trong thời đại công nghệ 4.0, Hoàng hy vọng ngành Tâm lý sẽ ngày càng thân thiện và đóng góp to lớn cho cuộc sống mọi người. Đương nhiên, Hoàng rất cảm ơn người cố vấn và các nhà đầu tư đã rất hết lòng với Hoàng và các cộng sự...
PV: Bạn từng tham gia công tác giảng dạy chứ?
Trong một năm trở lại từ Đài Loan, tôi có tham gia giảng dạy một số khoá kỹ năng ngắn hạn cho sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, tôi còn làm cố vấn và phát triển dự án trải nghiệm người dùng trên website cho KidsPlaza (Việt Nam), Heineken (Việt Nam) và Thương hiệu Ghế massage OSIM của Tập đoàn V3 (Singapore). Bên cạnh đó, Hoàng còn huấn luyện nhóm cho một số nhóm có hứng thú hay ý tưởng phù hợp có liên quan đến mảng nghiên cứu hay sở trường của mình...
PV: Bạn sẽ nói gì với những sĩ tử đang chuẩn bị vào Đại học?
Thật ra, Hoàng vẫn nghĩ 3 năm trải nghiệm vẫn quý vì những hiểu biết và chút sở trường vẫn giúp Hoàng cho công việc hiện tại và cả các đề tài sở trường. Nhưng nếu biết chọn đường ngắn hơn thì vẫn tốt hơn. Với Hoàng, Hoàng muốn nói với các bạn sĩ tử là: Quan trọng nếu đã thấy chọn đúng thì đừng bỏ cuộc. Và thay đổi lựa chọn càng không phải là bỏ cuộc mà là không bỏ cuộc với cái mình thấy đúng đắn và phù hợp hơn”. Cảm ơn Tâm lý học đã cho Hoàng xác tín về lựa chọn của mình dù chặng đường gian nan còn dài lắm.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của bạn.