Vì sao Tử Cấm Thành đầy gỗ mà suốt 600 năm không hề bị mối mọt?
FOLLOW US

Vì sao Tử Cấm Thành đầy gỗ mà suốt 600 năm không hề bị mối mọt?

Chứng kiến sự hưng thịnh và suy tàn của 2 triều đại phong kiến Trung Quốc nhưng Tử Cấm Thành vẫn sừng sững, dường như không chịu sự bào mòn của thời gian.

Tử Cấm Thành là cung điện hoàng gia của 2 triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc. Với hơn 70 cung điện lớn nhỏ và 9.999 căn phòng, Tử Cấm Thành là quần thể cung điện kết cấu bằng gỗ lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Kể từ khi hoàn thành (1420), Tử Cấm Thành đã trải qua hơn 600 năm, chứng kiến toàn bộ quá trình từ hưng thịnh đến suy tàn của 2 triều đại.

Tử Cấm Thành ngày nay không còn là khu vực cấm của hoàng tộc mà đã trở thành Bảo tàng Cung điện mà công chúng đều có thể đến tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, khi được tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan này, nhiều du khách đặt câu hỏi gỗ xây Tử Cấm Thành lấy từ đâu? Loại gỗ nào được chọn làm cung điện? Là một công trình kiến trúc bằng gỗ cách đây hàng trăm năm, tại sao nó lại không bị mối mọt, mục nát? Hãy cùng nhìn lại lịch sử để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

 

Vì sao Tử Cấm Thành đầy gỗ mà suốt 600 năm không hề bị mối mọt? - 1

 

Vào năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406), Minh Thành Tổ Chu Đệ hạ lệnh xây dựng một cung điện ở Bắc Kinh. Ông cử hàng loạt quan lại máu mặt phụ trách công trình. Đó là Trần Khuê, Công bộ Thị lang Ngô Trung, Hình bộ Thị lang Trương Tư Cung, kiến trúc sư Thái Tín. Các quan chức được cử trông coi gỗ đều là các quan to của triều đình. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của công việc này lúc bấy giờ. 

Để xây dựng Tử Cấm Thành, các chuyên gia của Trung Quốc cổ đại đã chọn gỗ trinh nam, linh sam và gỗ bách. Chất liệu gỗ do chiều dài và chu vi quyết định, chu vi một thước trở lên là lục phẩm, 2 thước là ngũ phẩm, 4 thước trở lên là nhất phẩm và 5 thước trở lên là gỗ thiêng. Chỉ cần gỗ đạt tiêu chuẩn là "chặt và lấy". Hậu quả của việc chặt phá rừng này khiến gỗ trinh nam hiện nay cực kỳ quý giá, đứng trên bờ vực tuyệt chủng. 

Vì gỗ tốt thường ở trong núi nên việc tìm kiếm nguyên liệu vô cùng khó khăn. Triều đình đã bắt hàng trăm nghìn người dân tại khu vực Quý Châu, Hồ Bắc và Tứ Xuyên phải vào núi sâu, rừng già, bất chấp côn trùng, thú dữ, chướng khí, dịch bệnh để lấy được gỗ xây thành.

Vì sao Tử Cấm Thành đầy gỗ mà suốt 600 năm không hề bị mối mọt? - 3

Sử sách chép lại những lâm tặc mạo hiểm cả sinh mạng vào rừng đốn gỗ để xây Tử Cấm Thành chẳng những không được trả lương mà còn bị phạt nếu không hoàn thành công việc. Nhiều người buộc phải bán con để đền tiền cho triều đình.

Sau khi cây gỗ bị đốn hạ, người xưa sẽ vận chuyển từ núi sâu đến sông nguồn, rồi từ thượng nguồn đưa gỗ dọc theo sông Dương Tử, đến sông Hoài Hà, sau đó vận chuyển dọc theo kênh đào hoặc đường biển đến Đường Cô, cuối cùng tới Bắc Kinh. Ngày nay, nhiều tài liệu lịch sử ca ngợi sự khôn ngoan, trí tuệ của người xưa đã nghĩ ra cách vận chuyển những cây đại thụ cao chót vót như vậy, nhưng ít ai nhắc đến bao nhiêu máu và nước mắt của người dân triều Minh đã dồn lại sau những cây đại thụ sừng sững này.

Cuối cùng, hãy nói về lý do tại sao gỗ trong Tử Cấm Thành không bị mục nát dù đã trải qua hàng trăm năm? Trên thực tế, những loại gỗ này không phải là không thể phá hủy, nhưng chúng không dễ hỏng. Ví dụ như cây trinh nam, gỗ của nó rất cứng và khó mục nát. Từ xưa dân gian đã có câu "nước không ngấm, kiến không làm tổ", gỗ trinh nam được dùng làm cột cần ít nhất 200 năm phát triển. Chính vì "nở muộn" như vậy mà loại gỗ này thực sự rất bền và quý.

Vì sao Tử Cấm Thành đầy gỗ mà suốt 600 năm không hề bị mối mọt? - 4

Ngoài kết cấu gỗ tuyệt vời, vị trí địa lý của Tử Cấm Thành là ở phía bắc, khô hơn và lạnh hơn phía nam, do đó lượng mối ăn gỗ cũng ít hơn. Thêm vào đó, hầu hết gỗ trong Tử Cấm Thành đều được sơn bằng sơn mài, loại sơn này còn có tác dụng chống côn trùng và ăn mòn rất hiệu quả.

Hệ thống thoát nước của Tử Cấm Thành cũng là một công trình vĩ đại góp phần vào sự trường tồn của cố cung. Bao quanh thành là một con sông rộng 52 m, sâu 6 m giúp khu vực này chưa bao giờ có nước lũ. Bên trong thành, ở mỗi phòng lại có thêm điểm thoát nước hình đầu rồng. Mỗi lần mưa xuống tạo thành khung cảnh hàng ngàn con rồng đang phun nước, vừa ngoạn mục, vừa có tác dụng tránh ngập úng. Trên các bức tường cung điện đều có lỗ thông gió, có tác dụng bảo vệ gỗ trong thành khỏi ẩm ướt.

Từ thời nhà Minh đến hiện đại, Tử Cấm Thành liên tục được tu sửa. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều ghi chép về việc trùng tu, các kiến ​​trúc trong cung đều được bảo trì chu đáo nên tự nhiên sẽ trường tồn với thời gian.

PARTNER