Bhutan – Thiên đường hạ giới cuối cùng trên thế giới
FOLLOW US

Bhutan – Thiên đường hạ giới cuối cùng trên thế giới

Nằm nép mình bên triền dãy núi Himalaya, kẹp giữa bởi Trung Quốc và Ấn Độ, với số dân khiêm tốn khoảng 700.000 người, Bhutan là địa điểm vàng của những du khách muốn khám phá những miền đất lạ. Là quốc gia đã đưa ra ngày Quốc tế hạnh phúc, Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á, và cao thứ 8 trên thế giới.

Cái tên Bhutan được cho là bắt đầu bằng tiếng Phạn chuyển ngữ “Bhoṭa-anta” hay “Phía cuối Tây Tạng”, còn được hiểu là đầu cuối của nền văn hóa cao nguyên Tây Tạng. Chính vì thế, văn hóa Bhutan ít nhiều bị ảnh hưởng bởi văn hóa của Tây Tạng, đặc biệt là tôn giáo. Bhutan là đất nước Phật giáo kim cương thừa duy nhất trên thế giới với những nét ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo có thể thấy rõ ở tất cả khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Chính vì nét văn hóa đặc biệt này cùng với sự đa dạng về thiên nhiên được bảo tồn một cách hoang sơ nhất mà Bhutan được ví với cái tên “The last Shangri-la on earth”, hay còn gọi là thiên đường hạ giới cuối cùng trên thế giới.


Người dân Bhutan gọi quê hương mình mình là đất nước Rồng Sấm, có thể bắt nguồn từ lá quốc kỳ in hình rồng, hoặc do thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão lớn. Từ một quốc gia nhỏ bé, đói nghèo, lọt thỏm giữa muôn trùng đồi núi và bị che khuất bởi hai quốc gia hùng mạnh của Châu Á, Bhutan giờ đây đang được công luận toàn cầu chú ý bởi những điều vô cùng đặc biệt, thậm chí có phần đi ngược lại tiến trình phát triển của thế giới.

Cõi hạnh phúc bên triền Himalaya

Không đâu mà cây xanh được yêu quý như tại đất nước Rồng Sấm, khoảng 72% diện tích quốc gia được rừng che chắn, khiến cho bầu không khí nơi đây vô cùng trong lành và thoải mái. Ở Bhutan, du khách sẽ ngập tràn hạnh phúc khi biết rằng 100% các sản phẩm của nơi này đều là sản phẩm hữu cơ, loại sản phẩm đắt đỏ mà chúng ta đang tìm kiếm và sử dụng nơi những quốc gia phát triển và các thành thị hiện đại. Quả vậy, người dân Bhutan tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên của mình đến mức mà vừa qua, để ăn mừng hoàng tử mới hạ sinh của mình, họ đã cùng nhau trồng hơn 100.000 cây xanh để chào mừng hoàng tử bé, con trai đầu lòng của quốc vương và hoàng hậu hiện tại. Trong tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, Trái Đất đang dần nóng lên đặt ra cho nhân loại những thách thức không nhỏ thì việc làm của ngươi dân Bhutan không thể phủ định đã truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường cho tất cả chúng ta. Giờ thì bạn đã bắt đầu cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị đang len lỏi khắp nơi trên quốc gia này chưa?
Ở đất nước bên triền Himalaya này có những cái “không” tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được nhưng lại khiến du khách không khỏi thích thú. Đầu tiên đó là không có tội phạm ở Bhutan. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới không có trộm cắp, giết người và mua bán ma túy. Nếu lững thững đi dạo trên các con đường mòn nơi đây, du khách hẳn sẽ kinh ngạc phát hiện rằng người dân thậm chí còn chẳng bao giờ khóa cửa nhà mình khi vắng nhà bất kể họ có đang bày bán hàng hóa hay không.

Cái không tiếp theo của nơi này đó chính là Thủ đô của Bhutan không có đèn giao thông. Với lối kiến trúc cổ kính, xây dựng có quy hoạch khoa học, rộng rãi, hệ thống giao thông bài bản, ở thủ đô Thimphu không hề xuất hiện bóng dáng của những trụ đèn xanh, đỏ. Giao thông ở nơi này được điều khiển hoàn toàn bởi các cảnh sát, vậy nên du khách có thể thoải mái yên tâm tha thẩn dạo chơi mà chẳng cần lo lắng về cảnh tắc đường hay các trường hợp vi phạm luật giao thông. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả những bất ngờ về đất nước này. Một trong những lí do khiến Bhutan trở thành cõi hạnh phúc đó là vì sức khỏe và tuổi thọ của người dân ở đây rất cao. Vì ở Bhutan, chính phủ rất khắt khe trong việc loại trừ các sản phẩm chứa chất hóa học gây hại, thay vào đó, họ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường và an toàn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thuốc lá hoàn toàn bị cấm triệt và bài trừ khỏi quốc gia này. Nếu lén mua bán và sử dụng thuốc lá ở đây, cái giá khi bị phạt là không hề nhỏ chút nào. Không tội phạm, thực phẩm an toàn, không khí trong lành, mát mẻ, chỉ riêng những điều ấy thôi đã đủ khiến Bhutan trở thành một xứ sở đáng mơ ước và đáng để đặt chân đến trải nghiệm vô cùng.

Năm 1987, đức vua Bhutan đã đưa ra một tuyên bố đi vào lịch sử rằng: “Tổng Hạnh phúc Quốc nội (GNH) còn quan trọng hơn Tổng Sản phẩm Quốc nội (GNP)”. Lời tuyên bố này thể hiện cam kết trong việc xây dựng một nền kinh tế đặt hạnh phúc của người dân lên làm trọng tâm, dựa trên các giá trị tinh thần của Phật giáo, chú trọng xây dựng đời sống an bình, hạnh phúc cho người dân trên cơ sở hòa hợp với tự nhiên, không tiến hành đô thị hóa, công nghiệp hóa ồ ạt như một số quốc gia đang phát triển khác đã và đang làm. Đây cũng là quốc gia duy nhất sử dụng khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) thay thế cho khái niệm “Tổng sản lượng quốc gia” (GNP) để làm tiêu chí đánh giá sự phát triển và thịnh vượng. Khái niệm này đang thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia và những nhà kinh tế học. Nhiều nước đang nhận ra rằng, họ có Tổng Sản lượng Quốc gia cao, nhưng người dân lại sống không hạnh phúc, và các quốc gia được cho là thịnh vượng đang phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp, tự tử, bạo lực, bất ổn xã hội ngày càng gia tăng.

Hành trình khám phá vương quốc hạnh phúc
Không dễ để có thể đến du lịch ở Bhutan bởi vì quốc gia này không phát triển du lịch đại trà. Nhằm bảo tồn được vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị văn hóa của mình, chính phủ nước này chỉ cho phép lượng khách du lịch dừng ở mức khoảng 20 người một ngày và mỗi khách du lịch sẽ đóng ít nhất khoảng 200 USD mỗi ngày để thanh toán chi phí tour trọn gói do một công ty du lịch ở Bhutan sắp xếp. Để đến Bhutan, du khách sẽ xuất phát ở Bangkok, sau đó dừng chân tại Calcuta (Ấn Độ) trước khi đáp xuống sân bay quốc tế Paro. Bởi vì sân bay này tọa lạc tại vị trí khá hiểm trở mà chỉ một đội bay gồm 8 phi công trên thế giới được phép điều khiển máy bay hạ cánh, nên nếu may mắn ngồi bên cạnh cửa sổ máy bay, du khách có thể trải nghiệm được vẻ đẹp choáng ngợp của thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao. Cho đến khi máy bay đáp xuống thành phố cổ Paro, nơi toạ lạc sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan, cảnh vật bất chợt trở nên lộng lẫy hơn với tầng tầng thửa ruộng bậc thang hoặc xanh mướt hoặc sẽ chuyển sang màu vàng ươm nếu đang vào mùa lúa chín. Và, ngự trị trên gập ghềnh đồi núi là những căn nhà gỗ được thiết kế theo phong cách truyền thống của Bhutan – những ngôi nhà độc lập, đứng lẻ loi như thách thức với đất trời.

Dzong là lối kiến trúc pháo đài tu viện đặc thù của những quốc gia cùng dãy Himalaya mà tiêu biểu là Bhutan. Loại kiến trúc này có dáng dấp bên ngoài rất đồ sộ, tường tháp bao quanh một khu phức hợp gồm sân, đền, văn phòng chính quyền và cư xá của tu sĩ. Đến Bhutan, du khách sẽ bắt gặp được rất nhiều những công trình kiến trúc “dzong”, nổi bật nhất có lẽ là “cung điện hạnh phúc” Punakha Dzong, nơi ở của nhà vua và cũng là thủ phủ hành chính của đất nước. Các pháo đài tu viện này cũng được sử dụng như là những trung tâm tôn giáo, quân sự, hành chính, xã hội và cũng là địa điểm để tổ chức các lễ hội tôn giáo hằng năm. Bảo tồn truyền thống văn hóa luôn là tiêu chí cao nhất của người dân Bhutan, vì thế khi đến đây, du khách được sống trong những tập tục từ nghìn năm nay, chính từ đó, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp dung dị, thanh thản và yên bình đến từ đời sống và chính tâm hồn của những người dân nơi này.

Ẩm thực cũng là một nét độc đáo của Bhutan mà bất kỳ du khách nào cũng nên thử nghiệm. Ớt và phô mai là hai nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực của quốc gia này. Có lẽ vì ảnh hưởng từ Phật giáo, nét văn hóa thắm đượm khắp mọi nơi trên đất nước này từ các công trình kiến trúc, tư tưởng cho đến lối hành xử của người dân cho nên dù trồng trọt và chăn nuôi rất nhiều, thế nhưng họ lại không hề sát sinh, cá và thịt ở đây đều được nhập từ Ấn Độ hoặc do người nước ngoài giết mổ. Thay vì sử dụng quá nhiều các sản phẩm từ thịt, người Bhutan lại lựa chọn thưởng thức những món quà được thiên nhiên ban tặng. Với đặc điểm địa hình cao, người Bhutan thường có thói quen uống những loại đồ uống nóng, có cồn và nhiều năng lượng. Ba ví dụ ta có thể kể đến là món trà thảo mộc Tsheringma – món trà được đặt tên theo vị thần của sự trường thọ và phú quý, rượu arag – món rượu ấm nóng đặc trưng của đất nước này, và trà bơ – là trà pha với bơ chế xuất từ bò Tây Tạng.

Thật khó để có thể gói trọn tất cả những điều du khách có thể khám phá khi đến Bhutan, bởi lẽ niềm hạnh phúc của họ đến từ mọi điều nhỏ bé trong cuộc sống, và hành trình đến với Bhutan lại là chuyến hành trình trải nghiệm những điều nhỏ nhoi nhưng lại khiến con người thanh bình và hạnh phúc ấy.

                                                                                                        Theo ấn phẩm Phong Cách Doanh Nhân

PARTNER