Vì duyên mà gặp, mà ở lại
Tình cờ, vợ chồng anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long đến Điệp Sơn, thấy được tiềm năng lớn về phát triển du lịch với con đường cát uốn lượn tuyệt đẹp giữa biển khơi, biết bà con mong mỏi sự đổi thay,… nên đã vội đến UBND xã Vạn Thạnh xin thuê đất ở Hòn Ó, Hòn Quạ để làm du lịch.
Điệp Sơn nổi tiếng với con đường mòn giữa biển tuyệt đẹp. Ảnh: Internet. |
Nói về Điệp Sơn tấp nập du khách, về Hòn Ó, Hòn Quạ rực rỡ sắc hoa hôm nay, "chúa đảo" Đại Anh cho biết, sau hơn ba năm ra đảo đầu tư, vợ chồng anh đã bắt đầu và liên tục thực hiện thu dọn rác, cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây, hoa và tạo lập một số công trình tạm phục du du khách trên Hòn Ó và một phần Hòn Quạ. Từ đó, Đảo Phật Nằm - con đường giữa biển càng thêm đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đồng hành với "chúa đảo" Đại Anh là chị Đào Thị Long, một phụ nữ đồng bằng sau ba năm ra đảo đã tự hào với làn da cháy nắng, tự hào vì có thể thay chồng lái cano đưa du khách khám phá khắp các đảo ở Điệp Sơn… Chị kể: "Lúc lập dự án thuê đất làm du lịch, gia đình chị được giao cả Hòn Ó và một nửa Hòn Quạ. Lúc mới ra, sợ nhất là rác. Rác không biết từ đâu, tấp vào đảo mỗi ngày. Sau này mới biết là rác đại dương, "rác ma", rác quốc tế. Hồi năm 2016, mỗi ngày phải ba, bốm mươi người liên tục dọn rác. Bây giờ cũng mười mấy hai mươi người…"
Chị Đào Thị Long tự lái cano đưa du khách tham quan Điệp Sơn. |
Về chi phí đầu tư, chị Long bảo không thể kể xiết, bởi riêng chi phí dọn rác thải thôi tới nay phải hàng chục tỉ đồng. Nên để Hòn Ó, Hòn Quạ tươi đẹp như bây giờ, đã có rất nhiều mồ hôi, nước mắt của gia đình, người thân chị đổ xuống. Chị cũng cho rằng Điệp Sơn vẫn chưa đẹp, cần phải có sự quyết tâm, đồng hành, đồng lòng của cả chính quyền và người dân trong cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường..., mới có thể thu hút và giữ chân du khách dài lâu.
Dân "nghiệp dư" biết xây "phương án đầu tư"
Những người "ngoại đạo" trong lĩnh vực đầu tư, làm dự án đơn giản thường chỉ lo thuê được đất rồi tới đâu hay tới đó. Nhưng vợ chồng anh Đại Anh lại gây bất ngờ khi xây dựng cả "phương án kinh doanh và đầu tư" chi tiết và nghiêm túc.
Mặc bão tố, sức người vẫ giúp phủ xanh đảo Điệp Sơn - Ảnh: KG. |
Thậm chí, gia đình anh Đại Anh còn thành lập Công Ty TNHH Đầu Tư và Du Lịch Nha Trang Đông Đô tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh vào tháng 11/2016, được sự nhất trí của địa phương trong việc thuê đất ở Hòn Ó và Hòn Quạ phục vụ kế hoạch kinh doanh du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Cần phải nhắc lại rằng, cụm đảo Điệp Sơn có 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hiện có 3 hòn đảo gần nhau giữa vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, là điểm tham quan thú vị, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước mỗi ngày, gồm: Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp.
Những ngọn núi trọc đã được vợ chồng "chúa đảo" phủ cây và hoa. |
Vợ chồng anh Đại Anh đã thuê tới 5.094 m2 đất mặt bằng, 105.000 m2 đất đồi dốc và tới 182.479 m2 mặt nước biển tại Hòn Ó và Hòn Quạ, chiếm tới ½ tổng diện tích 3 hòn đảo có con đường giữa biển độc đáo, đã cho thấy tầm nhìn của chủ đầu tư, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự ưu ái, trải thảm to lớn của địa phương.
Sau đó, cùng với nhiều nhà đầu tư khác, Công Ty TNHH Đầu Tư và Du Lịch Nha Trang Đông Đô đã góp phần biến một Điệp Sơn đìu hiu không điện lưới, nước sạch, đời sống người dân còn nhiều khó khăn,… trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
Điệp Sơn thu hút rất đông du khách mỗi ngày, nhất là các bạn trẻ. Ảnh: FBNV. |
Du lịch phát triển, kéo theo đời sống của người dân, cả về vật chất lẫn tinh thần đều được cải thiện. Và nhất là, biển Điệp Sơn, ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, trách nhiệm thu hút, giữ chân du khách,… của người dân nơi đây được nâng lên trông thấy.
Qua đây, có thể nói rằng, chủ trương khuyến khích phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển đảo… nhờ xã hội hóa tại Điệp Sơn là một điểm sáng, một dấu ấn nhiều ý nghĩa.
Một công trình tạm nhỏ xinh cho du khách lưu trú tại Điệp Sơn. |
Nhà đầu tư mong mỏi chính quyền địa phương sẽ tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện nhiều hơn nữa về chủ trương, chính sách, đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự,… để các doanh nghiệp và người dân yên tâm, thêm nỗ lực chăm lo bảo tồn, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, đồng thời cũng là góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đạo tổ quốc.
Thêm nữa, từ các nỗ lực của cả chính quyền và người dân sẽ giúp Điệp Sơn thu hút và giữ chân du khách, ngành du lịch sẽ có đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Theo Tieudung.vn