Nền kinh tế số: Cơ hội hay thách thức cho nữ lãnh đạo Việt Nam và thế giới?
FOLLOW US

Nền kinh tế số: Cơ hội hay thách thức cho nữ lãnh đạo Việt Nam và thế giới?

Ngày nay, các cụm từ như “ công nghệ số”, “công nghiệp 4.0” hay “trí tuệ nhân tạo” không còn xa lạ với mọi người. Sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với kỷ nguyên công nghệ số đã len lỏi vào từng lĩnh vực của đời sống và xã hội. Chính vì vậy, Diễn đàn Nữ lãnh đạo quốc tế 2018 đã lựa chọn chủ đề “Nữ lãnh đạo và nền kinh tế số” để trao đổi và bàn luận với các nữ lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Kinh tế số tạo ra sự cạnh tranh công bằng  

Theo Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thế hệ mới đã mở ra một thời đại phát triển gắn với trí tuệ nhân tạo. Nền kinh tế thế giới đã bước sang một giai đoạn mới – kỷ nguyên của nền kinh tế số gắn với khái niệm “công nghiệp 4.0”. Đây không chỉ là áp lực, thách thức hay cơ hội phát triển cho bất kỳ một doanh nghiệp nào mà trên hết còn là bài toán chiến lược với tất cả mọi người để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trên thế giới.

Là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các nữ lãnh đạo trong và ngoài nước, Á hậu Thu Hương đã nhìn thấy những thuận lợi và cơ hội mà nền kinh tế số mang lại cho phụ nữ nhưng bên cạnh đó, chị cũng thừa nhận một thực tế là có nhiều rào cản cũng được đặt ra khi phụ nữ tiếp cận với thời đại của công nghệ. “Sự phát triển của nền công nghệ số đem đến cho các nữ lãnh đạo một cơ hội rất lớn khi có thể khởi nghiệp với chi phí thấp. Các nữ lãnh đạo phải chủ động đón đầu và tận dụng được lợi thế này để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Đó cũng chính là lý do, Diễn đàn Nữ lãnh đạo quốc tế mời đến đây những diễn giả đến từ nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực khác nhau với mong muốn mở ra một cái nhìn khách quan cho tất cả mọi người về chủ đề “Nữ lãnh đạo và nền kinh tế số”.

Nửa ngày một bản vẽ 3D nhờ trí tuệ nhân tạo

Trong lĩnh vực nội thất, đại diện cho Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn là nữ doanh nhân Nguyễn Gia Bảo – Chủ thương hiệu nội thất BB Smart Decor. Chị Nguyễn Gia Bảo cho biết, để bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ đang bùng nổ mạnh mẽ, chị đã đi đến nhiều nơi, học hỏi và tìm hiểu về những công nghệ hiện đại đang dẫn đầu xu hướng và chính công ty của chị cũng đang ứng dụng công nghệ thông minh vào các sản phẩm nội thất.

Hiện nay, chị Gia Bảo đã cùng BB Smart Decor đưa phần mềm thiết kế 3D Home về Việt Nam. Đây là một phần mềm thiết kế có tích hợp trí tuệ nhân tạo, kết hợp với những nhà thiết nội thất đến từ Ý. Chính vì vậy, từ khâu thiết kế cho đến khâu thành phẩm đạt độ chính xác hoàn toàn, không xảy ra bất kỳ sơ sót nào. “Đó cũng là cách mà BB Smart Decor đã áp dụng công nghệ số vào kinh doanh và tạo ra lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong cùng phân khúc”.

“Tương lai của thế kỷ 21 là những căn nhà được xây trong 8 ngày”

Nếu như công nghệ số giúp các nhà thiết kế tạo ra một bản vẽ 3D chỉ trong nửa ngày thì nó cũng giúp ngành xây dựng phát triển một tầm cao mới: xây nhà chỉ trong 8 ngày. Đó cũng là chia sẻ của bà Emma Marcha Imperial – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Imperial Homes Group – đại diện cộng đồng doanh nhân Philippines tham dự Diễn đàn Nữ lãnh đạo quốc tế 2018.

Việc xây dựng một dãy nhà ở xã hội chỉ trong 8 ngày gần như là không tưởng trong ngành xây dựng ở những thế kỷ trước. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ cùng với bê tông đúc sẵn đã giúp cho tiến độ xây nhà được nhanh hơn, không phụ thuộc vào thời tiết, bền vững với thời gian, cấu trúc xây dựng vững chắc chống động đất và những cơn bão, dễ dàng vận chuyển, chống chất độc hại và ẩm ướt.

Hiện tại việc áp dụng những công nghệ này vào xây dựng đã có ở Philippines, Ấn Độ,… và trong sự kiện này, bà Emma cũng mong muốn sẽ sớm đem mô hình này đến Việt Nam.

Sóng điện trong trang phục giúp tăng cường sức khỏe

Bên cạnh các lĩnh vực như nội thất hay xây dựng, công nghệ số cũng có thể áp dụng lên một sản phẩm ít ai ngờ tới, đó chính là trang phục. Một trong những doanh nghiệp Đông Nam Á tiên phong ứng dụng công nghệ số trong sản xuất phục trang là thương hiệu He&Me đến từ Malaysia. Các sản phẩm của He&Me được nghiên cứu tại Đức nhưng sản xuất hoàn toàn tại Nhật Bản như áo thun, vớ tay, vớ chân,… mang sóng điện. Những sóng điện chạy trong toàn bộ cơ thể giúp cho máu được tuần hoàn tốt hơn, giải toả căng thẳng, cải thiện hệ miễn dịch, cải thiện lưu thông vi mô, cải thiện vấn đề tiêu hóa, giải quyết cơn đau lưng hoặc định hình xương sống của trẻ,… đồng thời cải thiện đáng kể bệnh giãn tĩnh mạch thâm niên. Việc ứng dụng công nghệ số vào trang phục đã tạo nên một “cuộc cách mạng mới” cho thời trang: trang phục giúp người mặc bảo vệ và tăng cường sức khỏe.

Tạo nên vẻ đẹp tự nhiên bằng công nghệ cao

Liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, chị Lê Hoàng Lan – Chủ tịch Medilas Clinic cho biết, công nghệ số là cơ hội lớn cho tất cả phụ nữ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt nhất là lĩnh vực làm đẹp. Tuy nhiên, nó cũng là thách thức không nhỏ khi các máy móc thiết bị tân tiến đang ra đời ngày càng nhanh chóng, các trung tâm làm đẹp phải liên tục “chạy” theo những công nghệ mới, nếu không sẽ bị tụt lại phía sau.

Chính vị vậy, chị thường xuyên cử các bác sĩ chuyên khoa của Medilas đi học tập ở nước ngoài để áp dụng nền tảng khoa học công nghệ cao vào điều trị chăm sóc sắc đẹp. Medilas cũng có sự đầu tư kỹ lưỡng về máy móc, công cụ, dịch vụ làm đẹp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng. Bên cạnh đó, Medilas đã từng bước sử dụng những trang mạng xã hội như là công cụ hữu ích để kết nối với khách hàng. Thời gian tới Medilas cũng sẽ liên kết với WLIN thông qua dịch W.Services để có thể cung cấp, tư vấn dịch vụ cho các thành viên trên toàn thế giới.

“Công nghệ số giúp phụ nữ được học tập và phát triển bình đẳng”

“Chúng ta đã nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo, robot,… nhưng chúng ta đã từng nghĩ đến việc nhiều người lao động hạng phổ thông đặc biệt là nữ giới sẽ bị mất việc làm, gây ra những áp lực không nhỏ đến xã hội?” – Đó là câu hỏi và cũng là thực trạng mà Elaine Zhou – nữ diễn giả đến từ Trung Quốc đặt ra trong Diễn đàn Nữ lãnh đạo quốc tế 2018.

Chính vì vậy, chị Elaine Zhou mong muốn tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân đưa ra những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho những đối tượng ấy, giúp họ có cơ hội học tập để phát huy bản thân ở những môi trường cao hơn, làm chủ được công nghệ vì sự khác biệt lớn nhất của con người với robot đó là “suy nghĩ”. “Nếu như nữ giới được tiếp cận với công nghệ, học cách vận hành và phát triển trong nền kinh tế số, họ sẽ có cơ hội để phát triển bình đẳng như nam giới vì kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội công bằng cho tất cả mọi người ở tất cả các lĩnh vực, không giới hạn về thời gian và khoảng cách địa lý. Phụ nữ nên nắm bắt và tận dụng những cơ hội mà kinh tế số mang lại.” – nữ diễn giả nhấn mạnh.

Tương lai của giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cũng tại diễn đàn, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục Lê Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc điều hành UK Academy đã có những chia sẻ về vấn đề giáo dục trong thời đại công nghệ số hiện nay. Công nghệ số phát triển, nền giáo dục bắt buộc phải vận động và phát triển theo để cung cấp cho học sinh những kiến thức thực tiễn mới nhất, hiện đại nhất. Chính vì vậy, hệ thống UK Acedemy đã trang bị cơ sở vật chất với các thiết bị dạy và học hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những hệ thống công nghệ được đầu tư vào UK Academy tập trung giúp cho giáo viên và học sinh làm chủ khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, làm giáo dục là đào tạo ra những con người chứ không phải robot. Con người có trí tuệ, kỹ năng và sức khoẻ là tốt nhưng quan trọng là phải có trái tim yêu thương. Chính vì thế, Triết lý giáo dục 5H của UK Academy bao gồm các yếu tố: Heart – cảm xúc và ứng xử tích cực, Head – tri thức và tư duy, Health – thể chất và tinh thần, Hand – thói quen và hành vi, bốn yếu tố trên tạo nên Human – con người nhân văn toàn diện, đó là những yếu tố căn bản nhất tạo nên nền tảng phát triển cho mỗi trẻ em.

Công nghệ số tạo nên thời đại của máy bán hàng tự động

“Những gì có thể bán trên thị trường truyền thống đều có thể bán trong máy bán hàng tự động” – Đó là những khẳng định của nữ doanh nhân Amanda Aita Atan – Nhà sáng lập của VIBES Mastery đến từ Singapore. Lời khẳng định của bà Amanda không phải không có cơ sở khi chúng ta đang chứng kiến một thời đại có thể bán tất cả sản phẩm qua máy bán hàng tự động như: thức ăn chế biến sẵn, mỹ phẩm, nữ trang đến cả đồ gia dụng,… thậm chí, còn có thể mua một chiếc xe hơi! Tất cả những chiếc máy này đều hoàn toàn không sử dụng tiền mặt, mà thanh toán qua Master Card. Những chiếc máy này còn có chức năng là một kênh thông tin để quảng bá cho doanh nghiệp, tại mỗi máy đều có thông tin liên lạc của nơi bán những sản phẩm ấy như địa chỉ công ty, facebook,… để những người có nhu cầu hợp tác hoặc tham khảo trước những mặt hàng đều có thể dễ dàng tra cứu. Singapore và một số nước phát triển trên thế giới đang rất thành công với mô hình bán hàng áp dụng công nghệ số này.

Như vậy có thể thấy rằng, kinh tế số vừa là một cơ hội và cũng là thách thức, cơ hội cho những ai biết nắm bắt, biết học hỏi, biết thay đổi để phù hợp và tận dụng khả năng, sức mạnh của công nghệ để vượt lên phía trước. Và đó cũng là thách thức đối với tất cả những ai không thể bắt kịp, không thể hòa nhập với sự phát triển của công nghệ thì rất sẽ bị lùi lại phía sau, dù cho họ có thể là doanh nghiệp rất lớn. Diễn đàn nữ lãnh đạo quốc tế với chủ đề “Nữ lãnh đạo và nền kinh tế số” hi vọng những chia sẻ các nữ lãnh đạo sẽ góp phần tạo ra động lực, nguồn cảm hứng sống động phá bỏ rào cản tâm lý, giúp phụ nữ tự tin đón nhận xu hướng mới của nhân loại.

ĐỐI TÁC